Tây NinhNguyễn Thanh Tuấn chọn đảo Nhím giữa hồ Dầu Tiếng để cắm trại, yên tĩnh, hoang sơ so với các điểm ven bờ đã quen thuộc.
Hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh là điểm cắm trại được ưa chuộng do có vẻ đẹp hoang sơ, bãi cỏ xanh và không khí trong lành. Gần đây, thay vì cắm trại ở các tràng cỏ ven bờ, nhiều du khách lựa chọn tới đảo Nhím nằm giữa hồ. Đảo tuy được nhiều người biết đến nhưng do phải đi thuyền xa, dịch vụ chưa có nên chỉ thu hút những người thích khám phá, về với thiên nhiên hoang dã và cảm nhận sự riêng tư, yên tĩnh. Nguyễn Thanh Tuấn, sinh năm 1986, chia sẻ kinh nghiệm cắm trại tại đây.
Sau khi đến hồ Dầu Tiếng, du khách sẽ qua bến thuyền ở ngã ba Bờ Hồ, gần nhà thờ Suối Đá, thị trấn Dương Minh Châu. Đây là bến thuyền duy nhất chở khách ra đảo Nhím. Bạn có thể gửi ôtô, xe máy tại nhà dân ở bến tàu. Sau đó khi tới đảo, mọi người tiếp tục trekking, đi bộ hoặc đi xe trâu chở. Bạn lưu số của lái tàu để khi nào muốn về thì liên hệ với họ.
Theo anh Hạnh, chủ một hộ dân sống ở đây nói, trước khi hồ Dầu Tiếng hình thành, đây là một con suối lớn có rất nhiều nhím và loại thú rừng khác nhau nên được mọi người gọi là đảo Nhím.
Đến đây, bạn sẽ được tận hưởng không gian biệt lập với thế giới bên ngoài, đồng cỏ mênh mông, ngắm nhìn đàn trâu ăn cỏ hay chim bay rợp trời. Do là đảo nhỏ, mọi người có thể đi từ bên này qua bên kia đảo, một bên nhìn được hoàng hôn ở phía núi Bà Đen, một bên là bình minh từ núi Cậu. Điều khác biệt là khi đến đây, mọi người sẽ cảm thấy an toàn, không gặp cảnh quá đông người, ồn ào như những bãi cắm ven hồ.
Hiện tại là mùa đẹp để đến đảo khi nước thấp. Ngoài thuyền đưa rước, bạn có thể mua thực phẩm tự nuôi trồng ở các hộ trên đảo. Mặt chính đảo có tiệm tạp hóa. Du khách có thể trú tại đây nếu trời mưa. Hiện tại trên đảo vẫn chưa phát triển dịch vụ cắm trại. Khách đến đảo cần tự túc mang theo lều và các phụ kiện cần thiết. "Chưa phát triển dịch vụ cũng là điểm cộng cho đảo vì khách đến đây cần sự hoang sơ, mộc mạc nhất", Tuấn nhận định.
Nếu không mang đồ ăn, bạn có thể đặt của người dân trên đảo có các món từ gà ta, đặc sản cá lăng, rau rừng, khoai lang, khoai mì nướng. Chi phí cho một người khoảng 500.000 đồng cho một đêm, đã bao gồm chi phí thuê thuyền khứ hồi khoảng một đến 1,5 triệu đồng, chở được 10-15 khách. "Khi đi thuyền ra đảo, bạn có thể ngắm nhìn mặt hồ xanh, núi Bà Đen, những chòi canh cá lạ mắt, đồng cỏ bao la với đàn trâu hàng trăm con", Tuấn mô tả.
Theo Tuấn, đảo Nhím chỉ cần đầu tư đội ngũ thuyền với giá bình dân, phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Các hộ dân cùng nhau kết hợp làm du lịch, phục vụ ăn uống cho khách trải nghiệm hình thức du lịch xanh thì sẽ tạo điểm nhấn so với cắm trại ven hồ Dầu Tiếng đã quá nổi tiếng.
Lưu ý
Việc đầu tiên khi lên thuyền là mặc áo phao, chuẩn bị túi, quần áo, giày chống nước vì hiện tại là mùa mưa. Trên đảo hạn chế phương tiện di chuyển, bạn nên đi giày thể thao, đồ đạc chỉ mang vật dụng cần thiết, gọn nhẹ nhất có thể. Thanh Tuấn nhận định tình hình an ninh trên đảo tốt, người dân ít nhưng nhiệt tình, mến khách.
Mặt chính đảo có một hộ dân đại diện chính quyền địa phương. Nếu muốn cắm trại qua đêm, bạn cần đến đây đăng ký, tuân thủ các quy định về an toàn, an ninh lòng hồ, chuẩn bị áo phao nếu muốn tắm hồ. Sau khi cắm trại, cầm gom rác để bỏ đúng nơi quy định. Những vật nuôi, cây trồng trên đảo là tài sản của người dân, bạn nên lưu ý.
(vnexpress)
Có thể bạn quan tâm:
-
Gia đình Hà Nội mê cắm trại ngủ rừng
Đi leo núi cần mang gì?
Cắm trại tại hồ thủy điện Thác Mơ và ngắm núi cao nhất Bình Phước
Camping là gì? Trekking là gì? Trào lưu nổi bật của giới trẻ thời điểm hiện tại
Đồ dùng cần thiết khi đi cắm trại
Định nghĩa lại Camping là gì? kiến thức về Camping từ A-Z
5 kỹ năng đi trekking cho người mới
Dã ngoại và cắm trại bên hồ Trị An
Trekking là gì? Những địa điểm Trekking thú vị nhất Việt Nam
Chốn bình yên trên thảo nguyên Đồng Cao, leo núi cắm trại
Cuối tuần khám phá Bình Liêu mùa cỏ lau, leo núi cắm trại bao phê
Núi Dinh và Hồ Cốc hút người leo núi cắm trại