Quảng NinhDu khách có thể khám phá "thiên đường cột mốc" vào mùa cỏ lau bằng xe máy, với chi phí 600.000 đồng cho chuyến đi 2 ngày 1 đêm.
Từ cuối tháng 10, Bình Liêu bắt đầu vào mùa cỏ lau đẹp nhất trong năm. Đinh Ngọc Thượng (hay gọi là Thượng Đinh, 1997), blogger du lịch đến từ Cao Bằng, thích khám phá miền núi, đã dành hai ngày cuối tuần để khám phá nơi đây.
Tìm hiểu trên mạng, Thượng biết đến một số điểm tham quan được nhiều du khách check-in ở Bình Liêu như "sống lưng khủng long", dãy cột mốc chạy dọc đường biên giới, thác Khe Vằn, đỉnh Cao Ba Lanh, đỉnh Cao Xiêm (nóc nhà Quảng Ninh), bản Sông Moóc, cầu treo Nà Làng... Tuy nhiên, trong hai ngày nam blogger chỉ đủ thời gian check-in sống lưng khủng long, một số cột mốc biên giới đặc biệt và cánh đồng cỏ lau.
Do thời tiết không mưa gió, blogger 23 tuổi đi xe máy từ Hà Nội cùng bạn. Hai người xuất phát từ Hà Nội lúc 6h, mất khoảng 7 - 8 giờ, dừng nghỉ ở TP. Hạ Long rồi đi tiếp đến Bình Liêu. Thượng khuyên du khách nên đi ô tô riêng hoặc xe khách đến Bình Liêu (giá khoảng 180.000 đồng/lượt) rồi thuê xe máy (200.000 đồng/ngày), để đảm bảo sức khỏe.
Bình Liêu còn được mệnh danh là "thiên đường cột mốc", vì nơi đây có khoảng 60 cột mốc chạy dọc đường biên giới dài 48 km giữa Việt Nam và Trung Quốc, đa phần du khách có thể đến tham quan, Thượng cho biết.
Ngày thứ nhất, 15h đến trung tâm huyện Bình Liêu, Thượng cùng bạn check-in cột mốc 1279 và 1300. Sau khoảng 14 km từ trung tâm huyện đến ngọn đồi tọa lạc cột mốc 1300, anh đi bộ theo dãy bậc thang khoảng 10 phút. Từ khoảng sân quanh cột mốc là nơi có thể ngắm được toàn cảnh núi non phía bên Trung Quốc. Thượng được các chiến sĩ biên phòng nhắc nên khóa xe máy vì nơi đây chưa có chỗ gửi xe.
Cột mốc 1297 cách khu cột 1300 khoảng 15 km. "Nơi đây đúng nghĩa là thiên đường cỏ lau, chỗ này ngắm hoàng hôn phải nói là cực phẩm", Thượng nhận xét. Đường đi bộ bê tông dốc thoải, dễ đi.
Ngày thứ hai dành cho hành trình đến với cột mốc số 1305 cách trung tâm huyện khoảng 16 km, nơi bạn phải đi qua "sống lưng khủng long". Cột số 1305 là mốc biên giới cao nhất ở Bình Liêu và cả tỉnh Quảng Ninh. Quãng đường để chạm mốc từ chân núi dài 1,8 km, trên sống núi uốn lượn và gồ lên như lưng khủng long.
Nếu thời tiết thuận lợi, bạn sẽ tốn khoảng 2 giờ để lên đến nơi. Vì gặp cơn mưa bất chợt, Thượng phải đi chậm lại, tốn 3 giờ, để tránh bị trượt chân và gió tạt khi đang ở trên hai bờ vực. Tuy nhiên, lí do nhiều du khách bỏ sức leo đến tận nơi là vì muốn ngắm biển mây mù. Những đám mây trắng sẽ sà xuống ngang người du khách, đều xuất hiện cả khi trời nắng hay mưa, Thượng kể.
Trước khi về Hà Nội, nam blogger nghỉ ngơi ở một trong các lán nghỉ chân của người dân dưới chân núi cột mốc 1305. Tại đây họ bán thức ăn nhẹ, nước uống, và một số món đặc sản địa phương như gà nướng, thịt heo bản, xôi.
Dịch vụ lưu trú ở Bình Liêu chưa có nhiều lựa chọn. Bạn có thể ở một số homestay bản địa như A Dào, A Píu, Hoàng Sằn, Sông Moóc... giá 30.000 - 60.000 đồng một đêm với hình thức ngủ phòng tập thể, hoặc các nhà nghỉ bình dân giá khoảng 250.000 đồng một đêm.
Nam blogger cũng đưa ra một số lưu ý cho du khách: "Dù thời tiết đang vào mùa lạnh nhưng khi đi bộ trên núi bạn nên mặc áo nhẹ và vừa đủ ấm, vì nhiệt độ ngoài trời thay đổi trong ngày. Mỗi người nên chuẩn bị áo mưa cá nhân, đồ ăn nhẹ, chai nước, giày thể thao. Muốn tránh đông người chụp ảnh ở đồng cỏ lau hay sống núi, bạn nên đi vào lúc sáng sớm hoặc buổi trưa".
Đinh Ngọc Thượng cho rằng Bình Liêu không lung linh, ảo diệu như trong các bức ảnh được chỉnh sửa. Blogger khen nơi đây có cảnh quan hoang sơ, hùng vĩ, đẹp nhất là "sống lưng khủng long", để du khách có thể mang về những bức ảnh đẹp.
(Nguồn vnexpress )
Có thể bạn quan tâm:
-
Đồ dùng cần thiết khi đi cắm trại
Trekking là gì? Những địa điểm Trekking thú vị nhất Việt Nam
Camping là gì? Trekking là gì? Trào lưu nổi bật của giới trẻ thời điểm hiện tại
Núi Dinh và Hồ Cốc hút người leo núi cắm trại
Đi leo núi cần mang gì?
Định nghĩa lại Camping là gì? kiến thức về Camping từ A-Z
5 kỹ năng đi trekking cho người mới